Sunday, January 26, 2014

Ví dụ về tổng quan tài liệu từ Internet


Đọc bài của chuyên gia Vũ Quang Việt về chuyện cổ phần hoá trong 2 năm 2014-2015 có rất nhiều thông tin bổ ích liên quan đến tiến trình 'quyết liệt' (chữ của TT hay dùng!) cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Đối với sinh viên, đây là một cách để tóm lược tin tức, viết lại các ý chính và trích dẫn trong bài viết của mình. Kỹ năng này vẫn còn quá yếu ở sinh viên năm cuối hiện nay, trong khi đây nên được xem là kỹ năng cơ bản và cần được thực hành từ năm đầu tiên của bậc đại học.


Cổ phần hoá: Chính sách sắp tới của nhà nước Việt Nam sẽ vì ai?


Quyết liệt cổ phần hóa 500 DNNN trong 2 năm (Vietnamnet)

Cho phép tư nhân nước ngoài làm chủ tới 60% cổ phiếu công ty, và 30% cổ phiếu ngân hàng (Asian Banking and Finance).

Chính sách này nếu không làm đúng đắn, tức là  nếu không được luật hóa chi tiết và cụ thể và hệ thống giám sát đòi hỏi/kiểm tra sự minh bạch, bạch hóa toàn bộ thông tin tài chính doanh nghiệp lên mạng, và minh bạch mọi điều kiện mua bán và chủ sở hữu thì chính sách cổ phần hóa sẽ đặt toàn bộ kinh tế Việt Nam vào tay người có quyền thế ở trong nước và người nước ngoài.

Lý do :

1.  Ở Nga trước đây,  khi cổ phần hóa, một số trở thành tài phiệt không cần vốn, mà chỉ cần quan hệ, mượn tiền ngân hàng để mua công ty.

If 'Reform' Is A Dirty Word, 'Privatization' Is Downright Filthy (Business Week) và Privatization in Russia (Wikipedia)

2. Hiện nay Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ chuyển máy móc phế thải vào Việt Nam  sản xuất để đón đầu TPP xuất hàng sang Mỹ để trả thuế thấp. Ngoài ra họ còn mua lại giấy phép khai thác tài nguyên của chủ Việt rồi đưa thợ sang khai thác :

Đầu tư từ Trung Quốc : Con dao hai lưỡi (Nhịp cầu Đầu tư)

3. Cái gọi là “ minh bạch ” từ miệng quan chức rất đáng nghi ngờ. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đều giữ kín thông tin. Cứ vào website để kiếm thông tin về  EVN hay Vinashin thì biết.  KTSG cho thấy là ngay công ty Vinashin đã nằm trong tầm ngắm, nhưng hoàn toàn không có thông tin gì trên thị trường :

Minh bạch thông tin ở đâu ? (TBKTSG)

Vũ Quang Việt (theo Diễn đàn)

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành thì nên gọi (và làm) luôn là tư nhân hoá cho hợp lý trong bối cảnh mới:

“Riêng phần tôi cổ phần hóa là chưa được, cổ phần hóa là tư duy của bao cấp để cho nhà nước còn giữ lại tỷ lệ cổ phần chi phối trong những doanh nghiệp. Chuyện này là không thể nào tồn tại được cho nên phải tư nhân hóa tất cả những doanh nghiệp nào mà nhà nước không cần phải tham gia vào trong đó. Qua thời đại mới dùng từ mới bỏ cổ phần hóa đi mà nói thẳng là tư nhân hóa mới là đúng. Tôi mong rằng trong năm nay nhà nước sẽ làm hết sức quyết liệt, đã nói thì phải làm không thì làm sao người dân còn tin cậy được. Đã nói thì năm nay phải làm thôi, nếu không làm sẽ có những hậu quả không đo lường được.” 

Chuyên gia Lê Đăng Doanh dự báo: Nông nghiệp Việt Nam sẽ được Nhật đầu tư mạnh sau khi vào TPP do thuế suất xuất khẩu hàng nông sản VN vào Nhật bằng 0. (Với những ai muốn làm 'cây dược liệu' thì có lẽ nên chuẩn bị từ bây giờ vì Nhật cũng là một nước có tập quán sử dụng dược thảo tự nhiên - dungo)

“Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội rất tốt nếu như vòng đàm phán TPP kết thúc được sớm, thì lúc đó đầu tư nước ngoài sẽ đổ mạnh vào Việt Nam và rất có thể Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp Việt Nam sể sản xuất nông sản và xuất khẩu lại Nhật Bản với thuế suất bằng 0. Bởi vì cả Việt Nam và Nhật Bản lúc đó là thành viên TPP (* Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). 

(Xem thêm bài phỏng vấn Thủ tướng do Nam Nguyên phỏng vấn - blog Quê choa cập nhật ở đây)

Xem ra năm 2014 là một năm rất sôi động!

dungo

No comments:

Post a Comment