Monday, September 30, 2013

Đọc, nghĩ, và viết trong thời đại thông tin

Bài viết này mạn đàm về các kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin nghiên cứu trong thời đại Internet từ kinh nghiệm bản thân - một học viên được đào tạo 'lâu năm' và sử dụng thông tin từ internet thường xuyên.

Vì sao người ta đọc báo, xem ti vi, nghe đài?

Câu trả lời thường là “Để biết thông tin, để giết thời gian, để giải khuây...” Nếu hỏi theo quy trình thông thường sẽ dẫn đến nhiều vấn đề thú vị hơn như: thông tin gì, đối tượng nào thường đọc, báo gì, đọc giờ nào…Hoặc: vì sao hiện nay người ta thích xem và nghe hơn là đọc? Liệu văn hóa đọc có bị mai một theo tiến trình phát triển nhanh chóng của công nghệ hay không? Bài viết này chỉ giới hạn trong nội dung trao đổi quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin qua các phương tiện nghe nhìn hiện nay cho công việc nghiên cứu.

Vậy ‘phương tiện nghe nhìn’ là gì? Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hình thức quảng bá thông tin ngày càng phong phú. Cách đây một vài thập kỷ, phương tiện ‘nghe’ chủ yếu là chiếc radio bán dẫn, phương tiện ‘nhìn, đọc’ chủ yếu là các bài viết, bản tin roneo, hay các tờ báo giấy ra hàng ngày. Ngày nay, phương tiện nghe nhìn hết sức phong phú từ số lượng kênh truyền hình, kênh radio, các phương tiện di động, máy mp3, tivi, và đặc biệt là báo mạng internet đang ngày càng trở nên phổ biến. Việc cung cấp thông tin trước đây thường mất cả tuần, có khi cả tháng để xử lý và chuyển giao thì nay chỉ cần một vài giây đã có ngay bản tin cập nhật trong ngày cho từng sự kiện. Nói như vậy để thấy khoa học công nghệ phát triển tác động như thế nào đến kênh thông tin, qua đó gián tiếp làm thay đổi nhận thức và cách sống của từng thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, mức độ đa dạng hóa các phương tiện nghe nhìn có thực sự mang lại hiệu quả cao trong việc truyền và tiếp nhận thông tin phục vụ cho sự phát triển chung của xã hội hay không thì cần phải làm một nghiên cứu bài bản mới có được câu trả lời cụ thể.

Có thể nói việc đọc báo hàng ngày là một nhu cầu không thể thiếu của bất cứ thành viên nào có liên quan đến công việc học hành, hoặc làm ở văn phòng cơ quan nào đó. Đọc báo mạng để lấy tin tức thời sự, các chỉ số giá cả, tìm thông tin nghiên cứu… đang chứng minh được vai trò của Internet và báo chí qua mạng trong công cuộc phát triển chung của nhân loại. Tuy vậy mức độ sử dụng thông tin thu lượm được sau khi tiếp nhận (đọc, nghe, nhìn) thường rất khác biệt (nếu không muốn nói là trái ngược) với thời gian dành cho việc thu nhận thông tin. Thực tế cho thấy, tỷ lệ phần trăm giữa ba hoạt động: Đọc – Suy nghĩ – Viết thường không giống nhau ở mỗi người. Theo đánh giá chủ quan của tác giả, xu hướng đọc có phần cao hơn tất cả (khoảng 75% thời gian tiếp nhận thông tin); Đọc xong và suy nghĩ tiếp về vấn đề mình vừa đọc thường ít hơn (chiếm khoảng 20%) và Viết thường chỉ còn là 5%. Tỷ lệ này được suy  ra từ một thực trạng là: con người hiện đại thường có xu hướng lướt và tìm kiếm thông tin cho một việc cụ thể hơn là nghiền ngẫm thông tin đó nhằm tìm ra các hướng nghiên cứu hoặc hoạt động tiếp theo. Suy nghĩ về một bài đọc thường chỉ đọng lại sau khi người đọc tìm được đúng thông tin nằm trong lĩnh vực của mình đang quan tâm, hoặc nó mang tính ‘lạ’ so với ‘miền kiến thức’ của người đọc. Riêng viết lại hoặc thảo luận những vấn đề vừa đọc chỉ có ở những người làm công việc viết lách, báo chí, giảng dạy, nghiên cứu hoặc là những người chủ sở hữu các trang thông tin mạng như blog hoặc website chuyên ngành.

Việc đọc nhiều thông tin trên mạng không hẳn là một hoạt động tốt vì cũng giống như quá trình ăn một bữa ăn. Nếu không lựa chọn, ta rất dễ ăn phải nhiều món mà cơ thể ta không hấp thu được, hoặc chỉ cần hấp thu một lượng nhỏ trong khi ta lại đưa vào một lượng dư thừa dẫn đến ‘bội thực’. Thông tin cũng vậy, đọc nhiều nhưng ít có thời gian suy nghĩ về vấn đề mình đọc, cùng đưa ra bàn bạc, thảo luận đế thấy ý nghĩa và mức độ liên quan đến công việc mình đang làm thì cũng chẳng khác nào cứ nạp nhiên liệu vào nhưng không sử dụng triệt để. Ngoài ra, việc đọc nhiều thông tin (đặc biệt là search Internet) rất tốn thời gian mà nhiều khi ‘kẻ thù vô hình’ này lại chiếm phần lớn quỹ thời gian hoạt động trong ngày, vốn đã được phân bổ để làm những việc cần thiết trong một kế hoạch tuần/tháng đã định trước. Mặt trái thứ hai này rất dễ bắt gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt cao ở những cá nhân tiếp xúc với mạng hàng ngày hoặc làm các hoạt động ‘bàn giấy’. Thời gian 3-4 tiếng trôi đi rất nhanh trong khi ta đang mải mê lướt web và sa vào mạng lưới thông tin ‘khổng lồ’ giống như chú ruồi sa vào đĩa mật và khó lòng dứt ra được.

Vậy 'công thức' nào có thể giúp ta sử dụng tốt thời gian trong việc tìm kiếm thông tin từ Internet mà không gây lãng phí thời gian, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu cập nhật thông tin hàng ngày? Theo kinh nghiệm bản thân cho thấy, công thức thời gian sử dụng cho 3 kỹ năng Đọc:Nghĩ:Viết nên là 30:20:50. Tất nhiên công thức sẽ có điều chỉnh theo thời gian khi kỹ năng đọc của bạn tốt hơn (nhanh và lọc được ý cần tìm). Tương tự, viết thảo luận các vấn đề đang quan tâm cũng đòi hỏi thời gian luyện tập và kỹ năng này sẽ được cải thiện theo thời gian. Riêng hoạt động suy nghĩ thì tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, khả năng tư duy và kinh nghiệm về vấn đề bạn đang theo đuổi. Như vậy công thức này nên áp dụng cho người mới tập nghiên cứu bước đầu (như tôi) và sẽ thay đổi dần theo thời gian.

Vậy thì “Đọc” thế nào? “Suy nghĩ” về cái gì? Và “Viết” thế nào cho hiệu quả?

Trước khi đọc cần làm rõ: Mình cần thông tin gì? Bao nhiều là vừa (bài báo, số liệu, hình ảnh)? Nên dành bao nhiêu thời gian. Nếu chưa làm rõ được các câu hỏi này người đọc sẽ dễ bị sa vào tình trạng đọc các thông tin “dây mơ rễ má” mà quên mất mình đang cần tìm thông tin gì và mất rất nhiều thời gian. Tốt nhất nên giới hạn thời gian tìm thông tin và ghi ra các câu hỏi trước khi tìm.

Suy nghĩ cần gắn với mục tiêu trước khi đọc và kết quả vừa tìm ra. Mục tiêu đặt ra từ đầu, và kết quả tìm kiếm ban đầu sẽ dẫn đến các câu hỏi như: Vì sao lại có hiện tượng này? Thông tin tìm được có lý giải được giả thuyết mình nêu ra không: trùng lặp hay khác biệt, đối lập? Có khác biệt lớn hay không? Giải thích thế nào về sự kiện này? Có nguồn thông tin nào bổ sung thêm kết luận đó không?

Viết thực chất là khâu quan trọng nhất vì đây chính là nơi thể hiện được các thông tin mình đã đọc và xử lý (suy nghĩ) trước khi tạo ra được sản phẩm của riêng mình. Có viết ra được các phần mình đã đọc và tư duy thì mới dẫn đến các thảo luận mới giúp tích lũy hiệu quả các kiến thức đã đọc và phân tích được, qua đó nâng cao khả năng chuyên môn theo thời gian. Ngoài ra các kỹ năng về tìm thông tin, phân tích, trình bày cũng được cải thiện thông qua số lượng bài viết, các chủ đề bài viết mà tác giả đang làm.

Tóm lại, cả ba kỹ năng “đọc” thông tin – “nghĩ” về các thông tin tìm được, cách phân tích dữ liệu – và “viết” các suy nghĩ của mình dưới dạng một bài báo (hoặc một bài nghiên cứu) là các kỹ năng cực kỳ quan trọng cho một người làm nghiên cứu. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi thông tin cung cấp qua mạng Internet rất đa dạng và phức tạp thì các kỹ năng này đòi hỏi cần phải được rèn luyện hàng ngày. Có như vậy bản thân người nghiên cứu mới đáp ứng kịp yêu cầu về xử lý thông tin và truyền tải kiến thức (nghiên cứu) đến cho cộng đồng được kịp thời (tiến độ thời gian), đạt chất lượng (nội dung), và do vậy giúp ứng dụng/cải thiện các vấn đề nghiên cứu trong cuộc sống (tính hiệu quả).

(Post lại bài 2010/AIT có chỉnh sửa)

Minneapolis, MN

dungo

No comments:

Post a Comment