Tuesday, December 31, 2013

Cảm nhận từ Minnesota

sanfranCuối năm, tranh thủ hoàn tất một vài món 'nợ' cuối cùng của năm 2013. Bài sau đây mình viết vào ngày rời Minnesota trở lại Việt Nam trên chuyến bay dài 31h đồng hồ từ Washington-San Francisco-Incheon-Danang.

Cảm nhận đầu tiên của mình là Mỹ có một Khung thể chế và luật pháp (Institutions and governance structure) cực kỳ hoàn thiện. Điều này có lẽ chính là nền tảng quan trọng đóng góp vào hiệu quả hoạt động từ dịch vụ công ích đến sinh hoạt cá nhân trong một xã hội đa dạng. Một số dẫn chứng theo cảm nhận và quan sát của mình.

-       Các quy định rất hợp lý và sát với thực tế như bố trí bảng hiệu giao thông, xây dựng toà các nhà làm việc (khuôn viên, cây xanh, dịch vụ) hay sử dụng nhiều dịch vụ tự động như hệ thống cho thuê xe đạp tự động, máy in văn phòng đa dụng như vừa in-đóng-scan, bố trí phương tiện nghe nhìn trong phòng học rất hoàn hảo và hợp lý;

-       Để đảm bảo mọi người tuân thủ các quy định đã đặt ra, chính quyền đã xây dựng một hệ thống giám sát thực thi luật/quy định và chế tài xử phạt rất khoa học, rõ ràng và minh bạch. Ví dụ hệ thống cọc đăng ký ở các  bãi đỗ xe đều có chế độ hẹn giờ (đỗ 1 tiếng, 2 tiếng... thì phải đóng mức vé tương ứng vài đôla – trả qua thẻ tín dụng), chế độ cửa tự động (check-in at the airport, door close/open, check in/out car parking), hoặc vé xe bus. Mình thích nhất là hệ thống xe bus ở đây vì vừa hiện đại lại vừa tiếp cận được hầu hết các khu vực với giá vé rất rẻ. Giá ngày thường và giờ cao điểm là 2.25$, ngày cuối tuần là 1.75$. Mỗi vé có giá trị trong thời gian hai tiếng rưỡi (2,5h), nghĩa là trong thời gian đó bạn có thể lên xuống bất kỳ xe bus nào và bao nhiêu lần cũng được. Vé xe bus dùng chung với vé tàu điện và thời hiệu sử dụng chuyển đổi qua lại bình thường.

-       Hầu hết cá nhân/tổ chức đều am hiểu rõ về quy định và tuyệt đối tuân thủ, ví dụ như các biển báo Stop (lái xe phải dừng xe 30’ khi đến biển báo này cho dù có hay không đoạn kẻ vạch dành cho người đi bộ). Một chuyện vui khác là thanh niên dưới 21 tuổi không được phép uống bia. Do vậy khi vào quán nếu chủ quán nghi ngờ khách hàng chưa đủ tuổi có thể yêu cầu kiểm tra giấy tờ tuỳ thân. Mình bị kiểm tra hai lần khi định gọi bia uống (không ngờ quá trẻ). Các quán mình ghé đều rất nghiêm về luật này, có lẽ họ sợ bị phạt hoặc đóng cửa.

Điểm thứ hai mình yêu thích ở đây đó là môi trường làm việc khuyến khích (Enabling working environment), nghĩa là tất cả điều kiện làm việc cho từng vị trí, từng hoạt động đều được đáp ứng rất đầy đủ. Vấn đề còn lại là mình sử dụng nó như thế nào để tối ưu hoá đầu ra kết quả công việc (working space, internet, meeting room, class room). Trong gần bốn tháng ở trường UMN, hầu như mình chưa bắt gặp ai có ý phàn nàn về điều kiện nơi làm việc: từ giảng đường, phòng nghiên cứu, đến các trạm thu số liệu hiện trường lâm nghiệp (Norris camp, MFRC), hội sinh viên, căng tin. Chính môi trường làm việc thuận lợi đã tạo điều kiện tốt nhất cho các ý tưởng sáng tạo, các đề án hợp tác và liên kết nảy nở. Môi trường thuận lợi cũng giúp người nghiên cứu có điều kiện rèn luyện sức khoẻ, thư giãn trong giờ làm việc, đồng thời cũng tạo sức thu hút sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu ở các nơi trên thế giới hội tụ về UMN.

Sống ở Mỹ, hầu như mọi người đều ít nhiều được tôn trọng và lắng nghe ý kiến lẫn nhau. Một điểm thường thấy ở những nơi công cộng đó là tôn trọng sự khác biệt, và ưu tiên nhóm bất lợi (Respect variation & priority for the disadvantaged groups). Ít khi mình thấy sự kỳ thị hoặc phân biệt (ít ra là biểu hiện rõ rệt) ở những nơi công cộng như chợ phiên, xe bus, hội chợ, rạp hát. Trong các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện cho cá nhân, nhà nước tạo điều kiện cho người dân tối đa. Một số ví dụ dễ dàng quan sát như khi người đi bộ băng qua đường, tất cả các xe gắn máy đều dừng lại nhường đường cho người đi bộ. Trên các xe bus công cộng đều có giá để xe đạp cho người đi xe đạp. Người khuyết tật đều được hỗ trợ các cách tiếp cận khác nhau trên các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu lửa, nhà vệ sinh, thang máy. Ngoài trang bị phương tiện cho nhóm thiểu số/bất lợi, các nhân viên ở các dịch vụ công cộng luôn có thái độ phục vụ chân thành, vui vẻ, không khách sáo hoặc miễn cưỡng khi phục vụ nhóm hành khách đặc biệt này. Ở đây, dễ dàng thấy được sự khác biệt về ý thức và phương cách phục vụ khi so sánh với các dịch vụ ở nước ta.

Một điểm khác biệt mình quan sát khi sinh hoạt ở ‘Thành phố sinh đôi’ (Twins City) đó là không hề thấy việc hô hào bất kỳ khẩu hiệu nào (No motto, just do it). Điều này gần như đối lập với Việt Nam: khi đi du lịch ở bất kỳ thành phố nào, dễ dàng nhận thấy hàng loạt cờ hoa khẩu hiệu ở các con phố lớn nếu nhằm vào ngày lễ kỷ niệm nào đó; hoặc bình thường có thể thấy các câu khẩu hiệu ‘muôn năm’ ở mọi nơi. Theo ý chủ quan cá nhân, điều này có thể giải thích bởi các lý do sau:

-       Hầu như ai cũng biết bổn phận ở công sở, ngoài đường, và văn hoá ứng xử nói chung (lịch thiệp, hữu ích, chia sẻ). Do vậy gần như không cần ai ‘lên gân’ mà cả hệ thống và các thành viên trong đó mặc nhiên hiểu các thiết chế văn hoá nói chung về ứng xử nơi công cộng, giao tiếp, và trách nhiệm công dân.

-       Khẩu hiệu có vẻ không phù hợp và không cần thiết khi đã có một hệ thống quy định/luật pháp chặt chẽ  đi kèm với chế tài xử phạt. Điều này cũng có thể hiểu rằng càng hô hào khẩu hiệu chứng tỏ quy định/luật pháp & chế tài của xã hội đó càng yếu, và do vậy phải cần hô hào sự tự giác của các thành viên.

-       Ở Mỹ gần như không có ai là ‘vĩ đại, mãi mãi’ về mặt học thuyết và tư tưởng bởi các học thuyết và tư tưởng sẽ thay đổi theo thời gian và bối cảnh lịch sử. Quan sát kỹ hơn mình thấy  những đóng góp, cống hiến của các cá nhân biểu hiện qua thành quả cụ thể và kịp thời luônd được ghi nhận ở các hình thức khiêm nhường nhưng rất sâu sắc. Ví dụ như các toà nhà làm việc trong trường UMN được đặt tên theo các giáo sư/học giả khởi xướng nên các ngành học, hoặc tham gia hiến tặng của cải và tài năng cho sự phát triển của ngành đó, trường đó (Green Hall building).

Trong các buổi sinh hoạt học thuật, hầu hết các góp ý và bình luận luôn mang tính khích lệ, chia sẻ, và giúp đỡ (Encouragous, sharing, and helpful). Đây là điểm khác biệt trong môi trường sinh hoạt học thuật so với Việt Nam. Cá nhân khi chia sẻ suy nghĩ, hoặc trình bày kết quả luôn được khích lệ và động viên bất kể kết quả nghiên cứu có ảnh hưởng hay ứng dụng thế nào. Nói cách khác, trình bày nghiêm túc một vấn đề là điều luôn được khích lệ và động viên trong các buổi hội thảo hoặc seminar ở bên này. Đặc biệt, những chia sẻ luôn được góp ý với tính cách xây dựng để điều chỉnh hoặt tiếp tục phát triển;

Ngoài những quan sát nêu trên, mình thấy trong các buổi lên lớp hoặc thảo luận (seminar, hội thảo) các sinh viên Mỹ luôn tự tin khi nêu câu hỏi hoặc bình luận về một ý tưởng nào đó. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa sinh viên Mỹ và sinh viên Việt Nam. Hay nói cách khác, môi trường bên này dường như luôn khích lệ sự tự do bày tỏ chính kiến (Freedom to talk) cho mọi thành viên. Có thể đây là điều mà các bạn trẻ được hấp thu ngay từ hồi còn học mẫu giáo: bày tỏ chính kiến hoặc yêu cầu của mình mà không sợ bị la mắng hoặc nhận xét thiếu thiện cảm bởi người lớn. Ở bên này, ý kiến cá nhân luôn được lắng nghe và phản hồi ở các mức độ khác nhau, không có chuyện cấm phát biểu suy nghĩ, ý tưởng của cá nhân (trong lớp học, ở các buổi seminar, trên xe bus). Để ý kỹ hơn, mình thấy hầu hết các phát ngôn và hành xử có vẻ khá chuẩn mức (nghĩa là không nhố nhăng, vô ý thức, hoặc phô trương). Điều này có thể là do được học tập từ nhỏ và ảnh hưởng bởi sinh hoạt cộng đồng từ lứa tuổi thiếu niên. Chính vì được khích lệ bày tỏ chính kiến ở mọi nơi, mọi lúc miễn là phù hợp với bối cảnh thực tế, cho nên không lạ gì khi có thể bắt gặp các hiện tượng sau:

-       Trong lớp học, sinh viên có quyền ngưng lời thầy giảng bất kể khi nào nếu có câu hỏi, khúc mắc cần giải đáp kịp thời;

-       Trong đối thoại giữa giáo viên & sinh viên: mức độ bình đẳng khá rõ ràng (chẳng hạn như trao đổi giữa mình và một sinh viên Campuchia trong buổi trình bày về các thế mạnh của các đơn vị nghiên cứu ở Huế trong lĩnh vực quản lý TNTN)

-       Giữa người dân & nhân viên chính quyền: hoàn toàn bình đẳng, thậm chí cán bộ còn phải nghe dân trình bày thay vì ‘lên lớp’ (Ví dụ: buổi tham quan của Hội đồng lâm nghiệp bang Minnesota ở thành phố Baudett, tham quan xưởng cưa, thăm khu rừng tamarack).

Để tạo lập được những điểm kết nối trên đây chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên điều mình thắc mắc là vì sao sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập đều không thua kém bạn bè, nhưng khi trở về đều không mấy thành công hoặc rất ít khi tạo được chuyển biến đáng kể giúp Việt Nam hội nhập với thế giới? Phải chăng còn thiếu các yếu tố về môi trường làm việc, cách thức quản lý điều hành, và tầm nhìn chiến lược trong phát triển tổ chức? Ngay cả trường đại học là nơi đúng ra có nhiều điều kiện để phát triển một cách độc lập và đi tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có được chiến lược phát triển tương xứng với đội ngũ được đào tạo. Không sử dụng nhân lực đào tạo, không trao đổi, không kêu gọi các ý tưởng liên kết thì không mong gì hội nhập được với bạn bè quốc tế, và đại học nước ta mãi mãi vẫn là một ‘ốc đảo’ với những bản hùng ca tự sướng mà thôi!

31.12.2013

Tàu cuối năm HN-LC

Dungo

No comments:

Post a Comment