Monday, December 30, 2013

Hiện tượng 'chung chi' đề tài NCKH

Lâu nay mình vẫn nghe trích 15-20% tổng kinh phí đề tài. Nhưng quả thật nếu phải trích 50-60% thì không biết tác giả đề tài sẽ nghiên cứu kiểu gì để ra được sản phẩm như đã trình bày trong đề cương. Rất nhiều người than phiền về thủ tục phiền hà trong các khâu thanh toán, hoặc được cấp tiền nghiên cứu quá chậm. Tuy nhiên hầu như không thấy ai lên tiếng, và vẫn tiếp tục tuân theo tỷ lệ 'chung chi' như kiểu có 'bàn tay vô hình' định hướng. Việc hợp lý hoá hoá đơn chứng từ nghiên cứu và chấp nhận mọi tiêu cực để có điểm công trình vô hình dung hạ thấp phẩm cách của người làm nghiên cứu khoa học, biến các nhà nghiên cứu thành đối tượng 'ăn xin' trong khi toàn bộ hệ thống cần tạo điều kiện tốt nhất để người làm nghiên cứu cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Không biết bao giờ mình mới đủ can đảm để 'xin' được một đề tài nghiên cứu? (dungo)

“Bí mật” về khoa học, công nghệ nước nhà… mà ai cũng biết




29/12/2013 - 11:35



Trong tuần vừa qua, liên tiếp hai vụ việc liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ được truyền thông nhắc tới khiến cho ngành này cuối năm lại trở thành đề tài nóng của dư luận. Thực chất chuyện chi phí làm đề tài khoa học bị gợi ý “trích lại” 50-60% cho đến việc thạc sĩ công nghệ “tự động” sử dụng chuyên ngành vào đánh cắp tiền trong tài khoản không phải bây giờ mới có. Những “bí mật”này rất nhiều người trong ngành đã biết từ lâu, nhưng không phải ai cũng dám “vạch áo cho người xem lưng” vì đụng chạm sát sườn đến “miếng cơm manh áo”.


“Hoa hồng” đen trong khoa học


Mới nghe thì xem ra lý do tủn mủn chi tiết quá, bởi các nhà khoa học của chúng ta vẫn luôn được kính trọng vì đại diện cho các bậc trí thức thời hiện đại. Nhưng họ cũng là người và họ cần phải sống, sự đạo mạo bên ngoài để lương thấp không đủ ăn và mặc áo rách bên trong đã qua lâu rồi. Vì thế mà theo GS Hoàng Tụy phát biểu trên Tuổi trẻ hôm 27/12, thì việc trích phần trăm kinh phí làm đề tài khoa học cho hết chỗ nọ, cửa kia để đề tài được cấp kinh phí, được nghiệm thu, trót lọt “đầu vào, đầu ra” đã là điều tồn tại nhiều năm nay. Đó cũng chính là nguyên nhân “giết chết” động cơ nghiên cứu khoa học của nhiều nhà khoa học chân chính.


Đưa được sự việc ra ánh sáng, TS. Phạm Huyền cũng đã góp phần giải tỏa nỗi “ấm ức” của nhiều người cùng ngành nghề với ông. GS.TS Trương Đình Kiệt, Ủy viên ban chủ nhiệm chương trình y tế - nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm TP, cũng bày tỏ trên Tuổi trẻ rằng chi phí cho tiêu hao máy móc, vật tư hóa chất nghiên cứu đã chiếm 60-70% kinh phí thực hiện đề tài, phần còn lại là thuê các nhân công thí nghiệm, chi phí tài liệu và các chi phí khác. Các chi phí cho cơ quan quản lý đề tài chỉ ở mức 10 triệu/đề tài vì thế, nếu đòi 50% kinh phí đề tài cho khâu quản lý, hội đồng bảo vệ thì ông cũng xin trả lại đề tài như TS. Phạm Huyền.


Còn TS. Vũ Thanh Quang, Bệnh viện Quân đội 108, thì cho rằng thực tế lâu nay các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đều nhận ra chính sách khoa học công nghệ cần thay đổi, vì đều đang “làm khó” cơ quan quản lý lẫn người nhận đề tài. Bởi nếu chấp nhận trích lại 50-60% kinh phí, TS. Huyền sẽ phải dùng nhiều cách để giải ngân, như thế sẽ tiếp tay cho cách làm ăn gian dối, không ngay thẳng. Ngoài ra, với kinh phí hạn hẹp chỉ còn 30% thì chất lượng đề tài cũng không thể có tính sáng tạo, tiên tiến hay đạt kết quả như kỳ vọng, nhưng các đề tài như thế vẫn đều được nghiệm thu “thành công” trong báo cáo tổng kết cuối năm.


Trong khi đó, TS. Trương Sĩ Kỳ, nguyên là nghiên cứu viên chính thuộc Học viện Hải dương học, Nha Trang, nhận định, nếu đã chấp nhận sự dối trá trong thanh toán (có khi là phạm pháp vì ký khống chứng từ) thì người ta cũng hoàn toàn có thể dối trá trong số liệu khoa học của đề tài, vì khi bị dồn đến chỗ kinh phí eo hẹp, làm cho có thì người ta cũng dễ “đắp đổi” số liệu sao cho “ổn” là được. Đây cũng là một trong những lý do khiến chất lượng công trình nghiên cứu nước nhà khá thấp, trong khi đề tài hàng năm luôn nhiều, nhưng chẳng mang lại kết qủa gì thực tế.


Với cách làm khoa học như hiện nay, đề tài trông chờ vào kinh phí nhà nước, người làm đề tài ăn lương nhà nước, chẳng có động lực gì thúc đẩy họ phải làm ra cái gì cho xã hội vì vẫn được “nuôi” ổn định, thì chuyện làm đề tài dễ bị biến thành nơi “kiếm thêm” bù vào lương thấp. Vì thế, những nhà khoa học nào giỏi “xoay xở” thì cũng sẽ phải chấp nhận “cuộc chơi” trích lại “hoa hồng” trong khoa học, số còn lại sẽ “ngồi im” hưởng “thái bình”. Và ngành khoa học nước nhà sẽ đi dần vào chỗ chết.


Và chuyện “ăn chia” trong việc “trộm cắp” bằng công nghệ


Có lẽ mới về nước nên Hoàng Anh – Thạc sĩ Tự động hóa kỹ thuật chưa có dịp được tham gia vào các đề tài trích phần trăm như trên, nhưng cũng đã kịp nghĩ ra cách kiếm tiền khác dựa vào những kiến thức khoa học công nghệ của mình.


Trước đó, khi mới du học từ Nga về nước tháng 6/2013, Hoàng Anh, 27 tuổi (trú tại TP. Vinh, Nghệ An) đã bàn bạc với Mai Quốc Việt 25 tuổi, trú tại khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội và Nguyễn Hải Hà 32 tuổi (phường Thịnh Quang, Đống Đa, TP.Hà Nội) cách sử dụng thông tin thẻ trộm được trên mạng để đặt phòng tại nhiều khách sạn, bằng hai địa chỉ trang web expedia.com và agoda.com. Bên cạnh đó, nhóm này cũng đã móc ngoặc với người của khách sạn để rút tiền từ công ty Expedia chia nhau với mức 50% tiền ăn cắp thuộc về Hoàng Anh, Hà và Việt chia nhau 10%, còn lại 40% cho những người ở khách sạn.


Sự thỏa thuận ăn chia này khiến cho nhóm thực hiện trót lọt lừa đảo 19 khách san tại Việt Nam với số tiền 1,4 tỷ đồng. Tuy số tiền không lớn bằng kinh phí đề tài của TS. Phạm Huyền, nhưng thạc sĩ Hoàng Anh cũng đã “nghiên cứu” đề tài trộm cắp “thành công”, “bỏ túi” 50% số tiền thu được.


Việc “mạo hiểm” của Hoàng Anh cũng chẳng kém với việc ký khống hóa đơn của những chủ nhiệm đề tài vì nếu có ai “sờ đến” kiểu gì chẳng vi phạm pháp luật. Với các chính sách và cơ chế quản lý khoa học công nghệ như hiện nay, các nhà khoa học của chúng ta thật “dũng cảm” khi vẫn tồn tại đến bây giờ với số lượng đề tài vẫn ra đều đều hàng năm. Liệu họ đã “làm ăn” nghiên cứu “tung hứng” với những con số chứng từ giỏi như vậy, nếu để khoa học công nghệ được mở cửa, theo cơ chế cung cầu thị trường thì các nhà khoa học của chúng ta sẽ ra sao? Chưa biết họ sẽ “xoay xở” thế nào nếu nhận được 100% chi phí, chỉ biết chắc chắn số lượng những đề tài “nằm đắp chiếu” sau khi nghiệm thu “thành công” sẽ giảm, bởi chẳng nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền cho những đề tài vô bổ nữa.







Toàn Phong






No comments:

Post a Comment