Wednesday, November 24, 2010

Có thể cải thiện tình hình NCKH ở cấp ĐH được không?

Trong bối cảnh chất lượng NCKH ở Việt Nam còn tụt hậu so với quốc tế, có thể thử nghiệm một số hướng sau cho các cấp bộ môn, khoa trong các trường đại học định hướng theo mô hình đại học nghiên cứu.



1. Lập quỹ thưởng nghiên cứu khoa học:

Mỗi bài báo công bố ở tạp chí quốc tế sẽ được thưởng một số tiền nhất định. Có nhiều cách định lượng, tuy nhiên cách của GS. Tuấn đề xuất có vẻ khoa học và hay nhất, đó là căn cứ vào chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor  =IF) kèm theo hệ số điều chỉnh theo công thức:

T = 100 + (IFj x 200) + (IFj / IFm x 1000)

Trong đó, T là tiền thưởng; IFj là chỉ số impact factor hiện hành của tập san; IFm là chỉ số IF cao nhất trong chuyên ngành, và 100 được coi như là mức 'sàn' 100$ cho các bài báo chưa có hệ số IF

Vế thứ hai của công thức trên đề nghị rằng chứ mỗi chỉ số IF thì tác giả được thưởng 200 USD.

Vế thứ ba của công thức trên cân nhắc thứ hạng của tập san trong chuyên ngành. Bởi vì có ngành (chẳng hạn như ngành toán) các tập san thường có IF thấp; do đó, sẽ không công bằng nếu chỉ thưởng dựa vào IF, mà phải xem xét đến thứ hạng của tập san đó trong ngành. Chẳng hạn tập san A trong ngành toán chỉ có IF là 1.5, nhưng tập san toán có IF cao nhất là chỉ 2, thì hệ số điều chỉnh là IFj/IFm = 1.5/2 = 0.75. Và, bài nào được công bố trên tập san số 1 của ngành thì được thưởng 1000 USD.

Nhưng có một số tập san có IF thấp hơn 1, và nếu nhân cho 200 thì sẽ không công bằng và thiếu tính khuyến khích. Do đó, tôi đề nghị công trình trên những tập san mới, chưa có IF, hay IF quá thấp thì cũng nên được thưởng 100 USD (vế thứ ba của công thức trên). Có thể xem đây là “điểm sàng” của tưởng thưởng.

(xem thêm: http://nguyenvantuan.net/science/4-science/521-thuong-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-nhu-the-nao)

2. Tăng cường đọc và thảo luận các bài báo chuyên ngành

Hoạt động này nên kết hợp vào sinh hoạt học thuật đầu tuần ở mỗi Bộ môn, trong đó phân theo các tổ chuyên môn. Mỗi tuần một tổ chuyên môn sẽ đảm nhận trình bày 1-2 bài báo chuyên ngành (ở tạp chí quốc tế), tóm lược lại nội dung, phương pháp, các điểm mới phát hiện, và phạm vi ứng dụng. Làm cách này sẽ cập nhật thêm thông tin chuyên môn, phương pháp, và đặc biệt là kích thích giảng viên tham gia viết bài và gửi đăng tạp chí quốc tế.

3. Rà soát lại mức độ cập nhật tài liệu giảng dạy (lecture notes, handouts) của các môn học

Thông thường các môn học phải được cập nhật thường xuyên sau mỗi học kỳ. Thông tin có thể từ n.cứu của chính giảng viên đó, hoặc thu thập thêm từ các bài báo chuyên ngành trong và ngoài nước, các tài liệu đã công bố. Tuy nhiên hiện trạng giảng dạy hiện nay còn nặng về hình thức, ít cập nhật về phương pháp nghiên cứu lẫn ứng dụng thực tiễn. Cần rà soát lại và yêu cầu các giáo viên cập nhật bài giảng định kỳ. Cách làm có thể lập hội đồng thẩm định, thu thập ý kiến đánh giá của sinh viên, kiểm tra chéo (mời giảng viên cùng chuyên môn nhưng khác trường tham gia đánh giá, mời chuyên gia độc lập...

4. Ban hành quy định mới về nghĩa vụ NCKH của các giảng viên TS (đi kèm với quyền lợi thưởng bài báo ở trên)

Số lượng công trình nghiên cứu của một Bộ môn, Khoa, Trường phụ thuộc vào năng lực nghiên cứu ('sản xuất') của mỗi cá nhân giảng viên. Do vậy cần có cơ chế quy định rõ nghĩa vụ + quyền lợi khi công bố nghiên cứu ở các tạp chí quốc tế. Giả sử chỉ cần quy định mỗi TS tốt nghiệp ngoài nước mỗi năm phải có một bài báo công bố ở tạp chí quốc tế thì sau 5 năm, Trường sẽ có một tuyển tập công trình nghiên cứu có chất lượng cao, có thể trao đổi/giao lưu với các trường trong khu vực. Lẽ dĩ nhiên, các bài báo này một khi đã được đăng tải ở các tạp chí quốc tế thì chất lượng sẽ khác hẳn các bài đăng trong nước (vốn lượng độc giả ít hơn và cơ chế bình duyệt cũng ít nghiêm ngặt hơn).

Nói chung, cơ chế cũng do tại con người sinh ra. Nếu thực sự muốn làm, thiết nghĩ số tiền/kinh phí bỏ ra cho các hoạt động trên không phải là quá lớn so với ngân sách hàng năm tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan... Nếu thực sự xác định được chức năng chính của trường ĐH theo hướng nghiên cứu, các hoạt động này phải được ưu tiên cấp cao nhất thông qua hành động cụ thể.

dungo

No comments:

Post a Comment