Sunday, November 21, 2010

Tản mạn về dạy và học ở đại học nhân ngày 20.11

Anh làm nghề gì? Tôi là giảng viên đại học. Chà, nghe sao mà ‘oai phong’ quá! Đó là cảm giác đầu tiên khi tôi được ở lại trường cách đây mười năm tròn. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại những suy nghĩ ban đầu ấy về nghề nghiệp, tôi không khỏi mỉm cười và cứ vẩn vơ mãi về lý do vì sao mình lại chọn nghề này và liệu không rõ mình có phải là một thầy giáo tốt hay chưa, và có thể ‘tốt’ được bao lâu nữa trong bối cảnh hiện nay.



Đối với một nền giáo dục hoàn thiện, các bài học về cách sống, tình yêu, quan hệ gia đình, xã hội, tự do, tín ngưỡng.... đã được trang bị ở các cấp học phổ thông. Lên bậc đại học, phần lớn thời gian dành cho việc tiếp nhận và rèn luyện kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Ở Việt Nam, do phần đầu còn ‘khiếm khuyết’ nên ở bậc đại học, sinh viên phải tự hoàn thiện mình trên mọi phương diện từ chuyên môn, kỹ năng công việc cho đến cách sống, quan hệ xã hội nhằm vào mục tiêu ra trường có việc làm sớm nhất. Do tâm lý muốn ‘chững chạc’ để có ngay công việc sau khi tốt nghiệp, các em đã nhanh chóng tiếp nhận (cả thụ động lẫn chủ động) các mô-típ sống quanh mình (cả tốt lẫn xấu) trong khi chưa đủ kiến thức và bản lĩnh để tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc và định hướng theo các chuẩn mực đạo đức và văn minh của một xã hội phát triển. Lấy ví dụ, thử nhìn các em học sinh vừa tốt nghiệp 12 và bước vào năm đầu tiên của bậc đại học, đa số các em đều có vẻ thánh thiện, trong sáng vô tư, chưa lo nghĩ nhiều cho cá nhân. Nhưng khi học xong đại học hầu như đã có sự phân hóa rõ rệt cách sống, cách suy nghĩ, và cả những ‘thủ thuật’ về cách học, cách làm bài, cách quan hệ đổi chác sao cho đạt được mục tiêu đề ra. Có thể nói không quá rằng, để trở thành một công dân chuẩn mực như ở các nước phát triển, sinh viên Việt Nam phải học và thực tập với một khối lượng kiến thức, thông tin gấp đôi ba lần do phải học ‘dồn’ kiến thức, kỹ năng mà các cấp học trước đó chưa kịp trang bị.

Tương tự, người thầy (với nghĩa đầy đủ là đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội) ở giáo dục đại học Việt Nam cũng phải hoàn thành một ‘khối lượng’ công việc gấp mấy lần đồng nghiệp ở các nước khác nếu muốn tạo ra ‘sản phẩm’ có cùng chất lượng. Nghĩa là, thay vì chỉ đảm nhận mỗi phần chuyên môn nghề nghiệp, người thầy phải giúp định hướng nhân cách, chuyên môn, và cả lý tưởng sống cho sinh viên ở trong trường đại học VN. Trong khi đó, để đạt được một trình độ kiến thức vững vàng trước khi đứng lớp thì người thầy phải bỏ ra trung bình từ 4-6 năm mài dũa ở bậc sau đại học với phần lớn chi phí tự trang trải. Và với mức lương  không đủ để trang trải cuộc sống của một người bình thường, người thầy phải tìm kiếm thêm các công việc ngoài giờ mà phần lớn ít khi hỗ trợ cho chuyên môn giảng dạy. Điều này càng dễ làm ‘biến dạng’ chức năng chuẩn mực mà xã hội đã ‘mặc định’ cho người thầy.

Như vậy, cả trò và thầy trong môi trường đại học hiện nay dường như chưa thực sự được đặt vào một bối cảnh phát triển chuẩn mực mà ở đó, người học chỉ tập trung tìm hiểu sâu về chuyên môn, kỹ năng; người dạy chỉ bảo về kỹ năng, phương pháp thu thập và xử lý thông tin phục vụ cho mục tiêu chuyên môn nhất định. ‘Quãng trống’ hay phần thiếu hụt của cả hai phía chính là nơi dễ bị lợi dụng và làm ‘méo mó’ hình ảnh của cả người học lẫn người dạy. Người học thường đặt kỳ vọng quá nhiều vào người thầy, cho rằng thầy biết hết mọi điều nên chắc chắn thầy luôn luôn đúng và có ‘quyền’ được đưa ra đáp án cuối cùng. Ngược lại, người thầy cũng tự ‘mê hoặc’ mình và cho rằng kiến thức thu nhận qua một thời gian dài trải nghiệm thì hơn hẳn trò. Do vậy trong chấm điểm, hướng dẫn luận văn ở trong trường hay phản biện, tư vấn ngoài xã hội luôn đặt mình ở vị trí ‘cao hơn’ so với học trò, kể cả những người chỉ từng theo học một môn do mình đảm nhận thời đại học.

Nhận thức sai lệch về vai trò và chức năng của người thầy có thể bắt nguồn từ văn hóa nho học trong quá trình phát triển của đất nước. Thời phong kiến sĩ tử thường phải học thuộc làu bài vở để đi thi; các câu đối đáp cũng mang tính gò bó luật lệ câu chữ; và ngay cả văn hóa tôn trọng như ‘nhất tự vi sư bán tự vi sư’, ‘quân, sư phụ’... cũng thể hiện được sự kính trọng tuyệt đối của xã hội đối với người thầy. Do vậy, cũng không lạ khi đa số người dân mình luôn cho rằng nghề giáo là một nghề cao quý bởi thầy cô đóng góp hai việc trọng đại là chuyển tải tri thức và hình thành nhân cách cho học sinh. Quan niệm ‘thầy là người có kiến thức thông tuệ nhất, và do vậy ý thầy luôn đúng’ đã và đang được nhiều người thừa nhận trong môi trường giáo dục hiện nay. Chính quan niệm này đã làm hạn chế khả năng tư duy phát triển của học sinh trong giáo dục hiện đại, đặc biệt là trong giáo dục bậc đại học. Coi thầy là ‘chìa khóa tri thức’ (như kiểu giải pháp bách bệnh panacea) vô hình dung tạo ra tâm lý tự cho mình là giỏi ở người thầy, hạ thấp giá trị của việc học tập và nghiên cứu chăm chỉ, thậm chí tạo ra một không gian ‘tự huyễn hoặc’ trong học thuật, không khuyến khích được tinh thần tranh luận và tìm tòi cứ liệu trong cả giảng dạy lẫn nghiên cứu.

Trong thời đại tri thức và công nghệ liên tục phát triển như hiện nay. Người thầy nên chỉ đóng vai trò là người ‘thúc đẩy’ (facilitator) và khuyến khích học sinh tự tìm tòi, trang bị cho họ những phương pháp nghiên cứu hiệu quả để giúp họ tự khám phá ra những điều muốn biết. Theo đó, một người thầy giỏi phải là một người đào tạo được một lớp người kế cận có khả năng ‘tự học suốt đời’. Điều này còn có nghĩa là người thầy nên truyền đạt, chỉ dẫn các phương pháp và khuyến khích người học tự khám phá, chứ không phải là người cung cấp thông tin cụ thể về hiện tượng, sự vật đang nghiên cứu. Nói như Charles Handy trong bài ‘Sáng tạo ra tương lai’ là “Tôi muốn trang bị cho mọi đứa trẻ một quyển cẩm nang Macintosh (Macintosh Powerbook) và một ổ đĩa CD- ROM để chúng có thể biết được mọi thứ chỉ bằng đầu ngón tay của chúng. Bấy giờ nhiệm cụ của giáo viên là giúp cho chúng biết cần phải dùng tất cả kiến thức đó vào việc gì và bằng cách nào

Hiểu được những đặc trưng này sẽ giúp cho người học tự định vị được mình nên học như thế nào, yêu cầu giáo viên cung cấp những kiến thức gì để có thể hỗ trợ bản thân sau này tự tìm tòi, học hỏi thêm trong môi trường công việc của bản thân. Ngược lại, người dạy cũng nhận thức được nên thiết kế bài giảng, các kiến thức và kỹ năng dưới dạng phương pháp, tư duy dễ hiểu giúp người học tiếp tục tự khám phá và hoàn thiện kho tri thức của họ. Làm được như vậy sẽ giảm bớt áp lực học tập quá nhiều thông tin, tạo không gian tranh luận tìm hiểu, và nhất là thiết lập được môi trường dạy-học thân thiện, hợp tác mang lại hiệu quả cao nhất cho cả người dạy lẫn người học.

AIT, 20.11.2010

1 comment:

  1. […] một bài viết gần đây mình đã nêu một ý về vai trò của người thầy trong giáo dục hiện đại là […]

    ReplyDelete