Wednesday, November 13, 2013

10 sự thật giáo sư hướng dẫn không kể cho bạn (# nên chọn giáo viên hướng dẫn thế nào?)

(Lời tựa) Bài này tóm lược lại 10 điều nghiên cứu sinh cần lưu ý khi cân nhắc lựa chọn giáo sư hướng dẫn cho mình ở các trường/viện đại học nước ngoài. Mặc dù đây là những kinh nghiệm quý giá cho Nghiên cứu sinh (bậc học tiến sỹ), nhưng điểm thú vị là rất nhiều ý trao đổi trong bài này có thể áp dụng trong hoàn cảnh lựa chọn/đề xuất giáo viên hướng dẫn làm luận văn ở bậc đại học hoặc cao học. Những ý trao đổi dưới đây chỉ đúng trong trường hợp học viên chủ động lựa chọn đề tài mình mong muốn được triển khai nghiên cứu, đề xuất với khoa/bộ môn đang theo học, và được chấp thuận. Trường hợp học viên được 'gán sẵn' một đề tài nào đó, và được chỉ định bởi một giáo viên hướng dẫn nào đó thì ... khỏi cần đọc tiếp phần sau (dzungo). 

  1. Năng lực của người hướng dẫn được thể hiện rõ nhất qua danh sách các sinh viên đã tốt nghiệp do giáo viên đó hướng dẫn. Điều này có nghĩa là không phải ai cũng có đủ khả năng hướng dẫn, nghĩa là ngoài năng lực chuyên môn cần có sự cảm thông, khuyến khích, và động viên học viên hoàn tất công việc theo đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, giai đoạn chuẩn bị hoàn tất, chỉnh sửa, và nộp luận văn đòi hỏi áp lực công việc nhiều và sự tập trung cao độ. Giai đoạn này nếu cả giáo viên hướng dẫn và học viên không thông cảm và cùng quyết tâm thì rất khó hoàn tất luận văn đúng thời gian và đạt chất lượng.

  2. Bạn là người có quyền chọn giáo viên hướng dẫn, đừng để khoa/trường chiếm mất quyền lựa chọn này. Đối với những trường ở nước ngoài, và đối với bậc học tiến sỹ thì điều này là bình thường. Nhưng đối với sinh viên bậc đại học (và đôi khi bậc cao học) ở nước mình thì việc lựa chọn giáo viên tuỳ thuộc vào môi trường học thuật của khoa/trường đó. Thông thường ở nơi mình công tác luôn có động tác 'phân công giáo viên hướng dẫn', nghĩa là chỉ định giáo viên cho từng (nhóm) học viên khác nhau. Điều này rất khó giúp cho việc triển khai tốt đề tài sau này, nhất là trong điều kiện chỉ có 4 tháng thực tập cuối khoá (bậc đại học) và giáo viên chưa nắm rõ nguyện vọng và năng lực nghiên cứu của học viên. Nếu có được sự chủ động từ phía học viên, sự tích cực và nhiệt tình của giáo viên nhằm lựa chọn đề tài phù hợp, phát triển đề cương từ các học kỳ sớm hơn trước đó thì chắc chắn chất lượng đề tài và kiến thức, kỹ năng học viên thu lượm được sẽ hữu ích hơn.

  3. Giáo viên ‘nổi tiếng’ nghe rất hấp dẫn, nhưng thường ở xa! Nên chọn giáo viên biết quan tâm bạn – người ít vắng mặt khi bạn cần trao đổi. Điều này sẽ giúp học viên cân nhắc lựa chọn (đánh đổi) giữa việc được 'giáo sư nổi tiếng' hướng dẫn nhưng thường quá bận với các việc của giáo sư, ít có thời gian quan tâm đến học viên đang hướng dẫn. Thay vào đó, có thể chọn người hướng dẫn không 'nổi tiếng lắm' nhưng biết quan tâm học viên, và do đó thường xuyên có mặt giúp trao đổi các nội dung đề tài, cũng như giúp giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình nghiên cứu của học viên. Đặc biệt việc duy trì chế độ gặp định kỳ hàng tuần, tháng sẽ giúp học viên định hướng tốt và theo kịp tiến độ công việc (xem #9).

  4. Giáo viên hướng dẫn nên là người biết giúp bạn thoát khỏi các thủ tục hành chính nhiêu khê. Rất nhiều trường hợp, quy định cứng nhắc của nhà trường đã hạn chế học viên trong triển khai nghiên cứu và hoàn tất thủ tục tốt nghiệp. Chẳng hạn một trong những phản biện luận án của một nghiên cứu sinh do tác giả bài này hướng dẫn (TS. Tara Brabazon) đã không chịu nộp nhận xét phản biện đúng hạn và do vậy làm cho nghiên cứu sinh đó trễ hạn tốt nghiệp gần 1,5 năm.

  5. Tìm hiểu kỹ quan niệm của người hướng dẫn về 'tác quyền' - đồng tác giả hay tác giả - khi xuất bản công trình. Một kinh nghiệm thú vị mà nhiều bạn học trao đổi với mình (người dịch) đó là nên chọn người có học hàm Giáo sư hướng dẫn. Lý do bởi vì giáo sư thường đã 'kịch trần' trong các bậc học hàm, và do vậy ít khi đòi hỏi được đứng tên là tác giả thứ nhất của bài báo. Những trường hợp do Phó GS (Associate Prof.) hoặc Giảng sư (Assistant Prof.) thường hay bị 'chèn ép' do người hướng dẫn đang có nhu cầu 'nâng hàm', và do vậy thường bị áp lực phải có công trình xuất bản kèm theo. Trong trường hợp sau nghiên cứu sinh thường bị 'ép' thế khi xuất bản  công trình nghiên cứu trích xuất từ luận án tốt nghiệp. Tất nhiên những giáo sư hướng dẫn đàng hoàng rất rạch ròi trong chuyện này: ai viết chính người đó đứng tên (xem thêm bài của GS. Nguyễn Văn Tuấn để rõ hơn).

  6. Cẩn thận với tên gọi ‘đồng hướng dẫn’! Đây là điều mà nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã diễn ra. Nghĩa là người đồng hướng dẫn đôi khi rất có ích, giúp đỡ sinh viên trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên đa số trường hợp cho thấy 'đồng hướng dẫn' lại chỉ đứng tên và ít hỗ trợ sinh viên, có khi còn gây cản trở bởi những lý do không chính đáng. Do vậy khá nhiều trường không chấp nhận danh xưng 'co-supervisor' trong hội đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh.

  7. Giáo viên hướng dẫn nên là người chuyên sâu trong lĩnh vực bạn đang nghiên cứu để có thể giúp bạn triển khai nghiên cứu nhanh hơn và chất lượng hơn. Điều này rất quan trọng và quả thật đây chính là điểm quan trọng cần cân nhắc khi chọn giáo viên hướng dẫn. Người hướng dẫn tất nhiên không phải là người thay bạn làm đề tài từ thiết kế, thu thập dữ liệu, phân tích, và viết bài. Nhưng nếu là người am hiểu chuyên môn sâu, và có kinh nghiệm về lĩnh vực bạn đang làm thì một lời khuyên, nhận xét, hoặc câu hỏi phản biện của họ có khi giúp cho bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, và kể cả tiền bạc.

  8. Việc trợ giảng sẽ giúp sinh viên (tiến sĩ) dễ kiếm việc làm hơn khi sau khi tốt nghiệp. Điều này luôn đúng 100%. Đặc biệt là tạo kỹ năng chuyên nghiệp trong chuẩn bị, thao tác đứng lớp (nói trước đám đông), và diễn đạt khúc chiết ý cần nói. Ngoài ra một số công ty, trường viện thường ưu tiên cao hơn cho các ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc nhóm, hoặc tham gia vào hoạt động xã hội (dạy tình nguyện). Trường hợp ở nước mình nên khuyến khích sinh viên viết bài thảo luận để tham gia các hội thảo hoặc seminar nhằm trình bày bước đầu kết quả nghiên cứu. Hoạt động này sẽ giúp sinh viên thu được những nhận xét, góp ý hữu ích trong việc hoàn thiện bài viết. Đồng thời, đây là dịp để sinh viên cọ xát với hoạt động trao đổi, phản biện - vốn là hoạt động thường xuyên trong nghiên cứu khoa học.

  9. Gặp giáo viên hướng dẫn hàng tuần là mô hình tối ưu nhất. Đây là điểm quan trọng mà hầu hết cả người hướng dẫn lẫn đơn vị đào tạo/nghiên cứu đều ít quan tâm. Tất nhiên việc tổ chức nghiên cứu là do giáo viên và học viên quyết định, tuy nhiên nếu trường/viện có cơ chế giám sát và yêu cầu khắt khe thì tần suất trao đổi giữa giáo viên và học viên sẽ được cải thiện rõ rệt .Và do vậy khả năng hoàn tất đề tài đúng tiến độ, đạt chất lượng sẽ cao hơn so với việc 'bỏ rơi' sinh viên trong suốt quá trình thực tập. Hiện nay báo cáo tiến độ được xem là cách thức kiểm tra tiến độ nghiên cứu hữu hiệu nhất, nhưng nhiều trường hợp cho thấy cách tổ chức mang nặng tính hình thức và gần như không đáp ứng được mục tiêu của hoạt động này.

  10. Đầu tư niềm tin của bạn vào những giáo viên đứng đắn và đáng tin cậy kẻo bị thất vọng về sau. Thất vọng ở đây có nghĩa là về khía cạnh đạo đức, về tiền bạc, hoặc về các khía cạnh xã hội khác. Có khi giáo viên lợi dụng vị trí hướng dẫn để làm những điều sai trái (theo pháp luật hoặc theo chuẩn mực đạo đức xã hội), trong khi học viên lại bị áp lực tốt nghiệp, hoặc bị ràng buộc bởi các ý thức lễ nghi văn hoá, tôn giáo (kể cả truyền thống tôn sư trọng đạo - sẽ được bàn vào dịp khác). Do vậy tìm hiểu kỹ về giáo viên ở khía cạnh quan hệ nghề nghiệp và xã hội nhiều khi giúp bạn tránh được những phiền toái về sau.


Xem thêm bài đầy đủ của tác giả Tara Brabazon đăng trên tạp chí Time Higher Education (11/7/2013) tại đây.

dzungo

(Lược dịch và diễn giải)

No comments:

Post a Comment