Tuesday, November 12, 2013

Kinh nghiệm bảo tồn từ Nepal: National Trust for Nature Conservation (NTNC)

Skok Hall, UMNTrưa nay vừa được tham gia một buổi trình bày của Dr. Naresh Subedi - Chuyên gia cao cấp về bảo tồn - Quỹ Ủy thác Quốc gia về Bảo tồn thiên nhiên (National Trust for Nature Conservation) ở sảnh đường Skok Hall, Đại học Minnesota (UMN). Buổi họp được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác giữa NTNC với UMN về các hoạt động phối hợp nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, sinh viên, và tìm kiếm nguồn đầu tư trên lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế, và biến đổi khí hậu. 


Tổ chức NTNC được thành lập năm 1982 theo một đạo luật của Nepal, hoạt động độc lập, phi lợi nhuận về bảo tồn thiên nhiên. Sau gần ba thập kỷ, NTNC đã triển khai trên 200 dự án về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, du lịch sinh thái, và phát triển bền vững. Mặc dù là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng NTNC đã được chính phủ Nepal giao quản lý 3 khu rừng đặc dụng theo các chương trình Dự án Khu vực Bảo tồn (Conservation Area Project) là Annapurna CAP, Manaslu CAP, và Gaurishankar CAP ở vùng miền núi. Ngoài ra, NTNC đang triển khai các hoạt động bảo tồn liên kết với 3 vườn quốc gia khác là Chitwan, Bardia, và Shuklaphanta ở vùng đồng bằng. Đồng thời Quỹ NTNC cũng được giao quản lý điều hành Vườn thú trung tâm ở thủ đô Kathmandu. Gần đây, NTNC thành lập thêm một bộ phận nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Năng lượng giúp giải quyết các vấn đề liên quan BĐKH thông qua các biện pháp thích ứng và giảm thiểu tác động, cũng như tập trung vào các giải pháp công nghệ về năng lượng tái tạo.

NTNC có tiềm lực rất mạnh với tổng kinh phí hoạt động hàng năm lên đến 6,6 triệu USD và số lượng nhân viên hơn 270 người. Chỉ riêng nguồn thu từ khu đặc dụng Annapurna (ACAP) đã lên đến 2,2 triệu US$ trong năm 2012, trong đó chủ yếu thu từ dịch vụ du lịch và các hoạt động hợp tác bảo tồn với các tổ chức WWF, WCS.

Với UMN, NTNC đã triển khai thành công nghiên cứu chuyên sâu về tập tính và phân bố các loài Hổ từ ngày đầu thành lập (1982) thông qua các công trình nghiên cứu hiện trường của TS. Dave Smith - chuyên gia về thú đã làm việc ở Nepal hơn 30 năm. Từ năm 2012, UMN đã khởi động thành công chương trình học kỳ hiện trường về Bảo tồn DDSH và Dịch vụ sinh thái Rừng cộng đồng (Ecological services & Biodiversity in Community Forests). Đây là chương trình học hiện trường do Phòng Hợp tác quốc tế (TS. Pedro Bidegaray), Trung tâm Quản lý Tài nguyên & Nông nghiệp tổng hợp (TS. Dean Current) - trường Khoa học Tài nguyên  và Nông-Lương (CFANS) của UMN phối hợp với NTNC tổ chức. Chương trình học gồm 4,5 tháng ở Nepal, mọi kinh phí do sinh viên tự chi trả (khoảng 11.500 $) bao gồm ăn ở, hiện trường, học phí, chuyên gia (không kể vé bay từ MN-Nepal). Xem chương trình chi tiết ở đây. Sinh viên có thể nộp đơn online.

Một số điểm quan tâm:

- Một tổ chức phi lợi nhuận có thể tham gia vào quản lý rừng đặc dụng hiệu quả nếu có đủ năng lực tổ chức và có đủ đội ngũ chuyên gia cần thiết. Ban đầu NTNC được chính phủ giao thử nghiệm hoạt động phối hợp ở vùng đệm, sau đó dần dần tiếp quản việc quản lý và điều hành toàn bộ cả khu rừng đặc dụng. Gần đây, NTNC được giao quản lý thêm một vườn quốc gia có diện tích gần 3.000 km2 (vườn Annapurna có diện tích hơn 7.000km2).

- Chương trình học ngoại khoá của UMN có thể tổ chức được ở VQG Bạch Mã nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý vườn, đơn vị nghiên cứu, và quan trọng nhất là người điều phối chương trình ở Việt Nam (kinh nghiệm, tâm huyết). Số lượng sinh viên mỗi học kỳ tối đa chỉ 12 sinh viên, chia thành 5 học phần theo các lĩnh vực: Văn hoá và con người bản địa, Giám sát và đánh giá đa dạng sinh học, Theo dõi động thái tăng trưởng rừng cộng đồng, Quản lý TN dựa vào cộng đồng, và Bài tập cuối khoá đánh giá kinh tế-xã hội và dịch vụ sinh thái (xem thêm ở chương trình chi tiết link trên). Đối tác ở Việt nam chủ yếu tổ chức các tuyến hiện trường, nơi ăn ở cho sinh viên, và đảm bảo tài liệu tham khảo đầy đủ. BMNP là nơi khá lý tưởng về nghiên cứu thực vật, động vật, côn trùng, chim, cá... do vậy là nơi lý tưởng cho sinh viên UMN tham gia học hỏi.

Điểm hạn chế ở VN đó là đội ngũ còn yếu về ngoại ngữ và phần nào hạn chế về thời gian tham gia, hoặc kỹ năng hiện trường còn hạn chết. Tuy nhiên điều này có thể bù đắp được nếu có được cộng tác từ các cán bộ bảo tồn ở các tổ chức, chương trình, viện nghiên cứu trong khu vực (miền Trung, quốc tế) như WWF, Tropenbos, trường đại học, cơ quan chuyên môn trong tỉnh. Ngoài ra, có thể tuyển chọn những sinh viên khá/giỏi năm cuối cùng hỗ trợ tạo cơ hội giao lưu, trao đổi giữa các bạn sinh viên. Chương trình sẽ mang lại nhiều hướng đi mới trong nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia bảo tồn, và nhất là mở ra quan hệ hợp tác lâu dài giữa những người nghiên cứu/hoạt động bảo tồn ở Mỹ và Việt Nam.

dzungo

No comments:

Post a Comment