Sunday, November 24, 2013

Truy cập internet và kết quả học tập

Một báo cáo khá hay về mối tương quan giữa 'thời lượng truy cập internet và kết quả học tập' do 02 giảng viên của ĐH Nông lâm TP.HCM nghiên cứu. Rất nhiều kết luận đưa ra khá thú vị, trong đó có mấy điểm mình quan tâm:

  •  Càng truy cập internet nhiều, càng học kém: sinh viên khá giỏi truy cập internet bình quân gần 18h/tuần, sinh viên yếu kém truy cập 32h/tuần;

  • Truy cập với mục đích chia sẻ học tập: 24.4h (/tuần?) trong khi đó giao lưu chia sẻ mạng xã hội (Facebook) là 32,7h (/tuần?);

  • "Nghiện" internet dẫn đến các biểu hiện bỏ học do thức khuya, mỏi mệt, bệnh, lừa tiền, xa lánh..

  • Tỷ lệ nghiện internet độ tuổi 9-16 cao gấp đôi so với trên 16 tuổi;


Theo kinh nghiệm bản thân, mình thấy các kết luận của báo cáo rất xác đáng. Trước đây mình hay sử dụng mạng internet ở quán để kiểm tra email và tìm thông tin thì thấy đa số vào quán net là các bạn trẻ (học sinh), và mục đích chính chủ yếu là chat (IM) và chơi game, hầu như không thấy ai vào kiểm tra, trả lời email hoặc lên mạng tìm thông tin liên quan đến việc học. Rõ ràng mục đích sử dụng internet cho công việc bản thân hầu như không được chú ý và hướng dẫn. Các em hầu như vào đó để giết thời gian (và không ngờ dẫn đến giết luôn động tinh thần tích cực làm việc thường ngày).

Hôm qua trao đổi với một số đồng nghiệp ở nơi làm việc, mình thấy internet (và cả Facebook) đều không có lỗi, chưa nói đến công nghệ này đã giúp và làm ảnh hưởng rất tích cực đến khả năng kết nối mạng lưới và giải quyết vấn đề chung. Nếu không có công nghệ và internet, chắc chắn chúng ta vẫn tồn tại nhưng mức độ tiếp cận thông tin, hợp tác trao đổi, và cùng chia sẻ giải pháp cho vấn đề chung sẽ không được như hiện nay. Vấn đề là sử dụng các nền tảng công nghệ đó như thế nào và cần có người hỗ trợ ra sao cho giới trẻ mới chính là điều quan trọng.

Trong một bài viết gần đây mình đã nêu một ý về vai trò của người thầy trong giáo dục hiện đại là 'thúc đẩy và hỗ trợ' các em cách sử dụng thông tin cho mục đích học tập của mình, hơn là người cung cấp thông tin. Cả hai vai trò đều quan trọng như nhau, nhưng trong thời đại thông tin hiện nay, vai trò định hướng, truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng tìm kiếm thông tin (cho từng chủ đề cụ thể) càng quan trọng hơn, giúp các bạn trẻ tiếp cận dần dần với kỹ năng đọc, lọc thông tin, và trích dẫn một cách đúng đắn.

Xem bài báo gốc trên báo Phụ nữ TP.HCM.

dzungo

No comments:

Post a Comment